Lịch sử Làng Hới

Cảnh phơi chiếu tại một xưởng làm chiếu ở làng Hới (làng Hải Triều), Thái Bình thập niên 1920.

Theo các tư liệu, làng Hới (tên chính thức làng Hải Triều, thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà , Thái Bình) là một làng cổ có lịch sử hình thành từ lâu đời. Chữ Hới và chữ Hải trong tiếng Hán đều dùng cùng một chữ 海 khi viết, nên đa số các tên khác của làng Hới đều có chữ Hải là vậy.

Làng Hới nằm ở vị trí gần ngã ba sông, nơi sông Hồng có chi lưu là sông Luộc. Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì gọi là sông Nông Kỳ, một trong ba kỳ quan của trấn Sơn Nam thời xưa.[2] Với vị trí thuận lợi trồng nguyên liệu và giao thương, người dân nơi đây đã sớm học được nghề dệt chiếu và phát triển thành làng nghề truyền thống. Từ thế kỷ thứ 15, với việc học hỏi nghề dệt chiếu từ Trung Quốc của trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, nghề dệt chiếu ở làng Hới phát triển mạnh và thành một trong những sản phẩm thủ công nổi tiếng của đồng bằng sông Hồng.[4]

Bản đồ Thái Bình năm 1891, làng Hới nằm trong huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Bình (trên cùng, bên trái bản đồ).

Về sau, khu vực xung quanh làng Hới đã trở thành một vùng dệt chiếu đông đúc, ví dụ có lúc ở huyện Hưng Nhân cũ có lúc lên tới 20 làng chuyên dệt chiếu. Sách Đại Nam nhất thống chí của Nhà Nguyễn có ghi nhận rằng "Chiếu trơn xã Thanh Triều, Hải Triều (làng Hới)huyện Hưng Nhân sản xuất tốt hơn cả"[5] , và ở thế kỷ 18 thương gia Nhà Thanh (Trung Quốc) đã qua vùng chiếu làng Hới thu gom chiếu rất nhiều.[4] Năm đầu thế kỷ 19, qua tay các thương gia người Hoa, chiếu cói làng Hới đã được đưa đi Hương Cảng (Hồng Công) và một số nước Châu Âu.[4] Đến thời Pháp thuộc, nhiều người nước ngoài, trong đó đặc biệt là người Hoa, tìm đến đầu tư mở xưởng chiếu cùng với người Việt;[5] nhưng làng Hới vẫn có tiếng nhất trong khu vực sản xuất chiếu ở Thái Bình.[4]

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, các xưởng dệt chiếu của người nước ngoài ngưng sản xuất, nghề dệt chiếu tại làng Hới vẫn tiếp tục phát triển do chiếu vẫn là sản phẩm tiêu dùng không thể thiếu của người Việt thời kỳ này.[4] Làng Hới trải qua một thời kỳ suy thoái ở những năm 1955 - 1985, ở thời kỳ bao cấp các thợ dệt chiếu Hới sản xuất chiếu theo mô hình hợp tác xã. Do chính sách sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch được giao tập trung chủ yếu vào số lượng nên chất lượng của chiếu Hới thời kỳ này đã giảm sút đáng kể.[4]

Từ 1986 đến 1990, theo chính sách kinh tế chung thay đổi ở thời kỳ Đổi Mới, nghề chiếu ở làng Hới đã từ từ được tái thiết lập và đã trở nên phát triển và mở rộng hơn so với trước đây. Từ thời gian này, không những làng Hới, mà cả các làng khác trong xã Tân Lễ cũng đã trở nên thịnh vượng hơn nhờ vào nghề dệt chiếu.[4]

Đến năm 2010, tại làng Hới nói riêng và khu vực sản xuất chiếu lân cận nói chung, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, cư dân của làng Hới và toàn xã Tân Lễ chủ yếu sống nhờ vào nghề dệt chiếu. Thông thường, trong một năm 12 tháng, các nhà nghề chiếu chỉ tập trung sản xuất với cường độ cao trong khoảng 8 tháng, còn 4 tháng còn lại được dành cho việc sản xuất nông nghiệp. Do đó, nhiều hộ gia đình trong xã vẫn nhận ruộng để trồng lúa, nhưng phần lớn họ thuê lao động từ những người không theo nghề chiếu hoặc từ nơi khác.[4]

Năm 2011, toàn vùng huyện Hưng Hà sản xuất hàng năm được khoảng 5,4 triệu chiếu chiếu với khoảng 21 làng nghề dệt chiếu được chính quyền sở tại công nhận.[5] Riêng xã Tân Lễ, trong số 3.500 hộ gia đình toàn xã có tới 80% số hộ sở hữu xưởng sản xuất chiếu với 10/14 thôn là làng nghề dệt chiếu, tổng tiêu thụ mỗi năm lên đến 8000 tấn cói.[6][7] Thời điểm hiện tại, ngoài dệt chiếu cói, một số hộ trong làng đã và đang sản xuất song song loại chiếu làm bằng sợi nylon.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Làng Hới https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/du-lich/g... https://vov.vn/du-lich/check-in/net-doc-dao-rieng-... https://baotangphunu.com/nghe-det-chieu-thu-cong-t... http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghe-chie... https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-det-chieu-ho... https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/151253/co-nh... https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Chieu-Gon-lang-Ho... https://dantoctongiao.congly.vn/nghe-det-chieu-lan... https://baohaiduong.vn/den-tho-ba-nguyen-thi-lo-o-... https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/trao-doi-...